Diễn biến “nóng” của thị trường ô tô và sự thông thái của người tiêu dùng

Khan hiếm một vài mẫu xe (chủ yếu xe NK) là một thực tế đang diễn ra. Tuy nhiên, thị trường ô tô không khan hiếm tới mức như các đại lý đang “ làm trò”, vẫn còn nhiều mẫu xe khác để khách hàng lựa chọn. Chấp nhận bị “ép” mua giá cao để có xe sớm trước Tết hay bình tĩnh cân nhắc lựa chọn mẫu xe phù hợp, giá hợp lý phụ thuộc vào tính toán của mỗi người.

Quyết có xe trước Tết

Thông thường hàng năm, thị trường ô tô có lúc vẫn xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu xe vào dịp Tết Nguyên đán. Điều này xuất phát từ tâm lý muốn có xe mới trước Tết của người Việt. Trong khi đó thị trường lại đang bị hụt nguồn cung.

Trước tiên là hoạt động NK xe nguyên chiếc của hầu hết các hãng đều bị tạm gián đoạn từ 1/1/2018, do chưa doanh nghiệp nào đáp ứng đủ các điều kiện theo Nghị định 116/2017/NĐ-CP. Chính vì vậy 15 ngày đầu năm 2018, thống kê từ cơ quan Hải quan cho thấy chỉ có khoảng 60 xe ô tô được NK, trong đó có 6 xe dưới 9 chỗ ngồi.

Cũng vào thời điểm này, một số hãng lắp ráp xe trong nước rơi vào tình trạng thiếu linh kiện nên hoạt động lắp ráp cũng bị ảnh hưởng.

Đại diện Thaco cho hay, 2 mẫu xe Peugeot mới vừa được ra mắt hồi đầu tháng 12/2017 là 3008 và 5008 đang lắp không kịp bán. Cũng tương tự như vậy CX5 thế hệ mới của Thaco cũng ở tình trạng khan hàng. Hiện tại, phiên bản CX-5 2.5L FWD thế hệ mới đã ngừng nhận đặt cọc đối với khách muốn nhận xe trước Tết Nguyên đán, do phía nhà máy không đủ nguồn cung. “Chúng tôi cũng không dự báo được tình trạng mua xe lại tăng mạnh ngay trong tháng 1/2018 như vậy”, vị đại diện này cho biết.

Hay như đối với Hyundai Thành Công (HTC), doanh nghiệp này cũng mới có thông báo tới các đại lý của mình về kế hoạch lùi giao xe với 3 dòng xe lắp ráp là SantaFe, Elantra và Tucson. Thời gian giao xe dự kiến là trong tháng 1 và tháng 2.

Trả lời báo Hải quan, đại diện HTC cho biết: lý do của việc lùi giao xe là bởi tình trạng đình công bên Hàn Quốc kéo dài, gây ra sự thiếu hụt linh kiện sản xuất của nhà cung cấp Hyundai Motor cho HTC.

Không chỉ Thaco và HTC, một số DN lắp ráp xe trong nước cũng đang rơi vào tình trạng không đủ linh kiện lắp ráp xe đáp ứng nhu cầu tăng vọt của thị trường vào thời điểm này. Không nói ra, song một trong những nguyên nhân thiếu linh kiện là do các hãng “chờ” thuế NK linh kiện giảm, nên lượng linh kiện NK những tháng cuối năm 2017 không nhiều.

Không chỉ vậy, sự kiềm chế, chờ đợi hơn nửa năm không mua xe của khách hàng đã đổ dồn vào tháng đầu năm 2018, khi mọi thông tin về chính sách quản lý, cũng như giá công bố của hãng hàng đã rõ ràng. Chính tâm lý này đã khiến tổng sức mua ô tô trên toàn thị trường thời điểm hiện nay tăng vọt.

 

Diễn biến “nóng” của thị trường ô tô và sự thông thái của người tiêu dùng - Ảnh 1.

Hầu hết các hãng xe đều tạm ngừng NK để hoàn tất thủ tục theo quy định NĐ 116. Ảnh minh họa

 

 

Chiêu trò của đại lý

Tuy nhiên một nguyên nhân quan trọng khác khiến thị trường trở nên rối ren, giá nhiều mẫu xe bị đẩy lên đột biến, đó là “chiêu” găm hàng, tạo khan hiếm, ép giá của nhiều đại lý bán xe.

Dạo một vòng các đại lý Honda tại Hà Nội có thể thấy, không chỉ mẫu xe CR-V nhập khẩu bị thiếu hàng mà mẫu xe lắp ráp trong nước City cũng không sẵn để người tiêu dùng đặt mua. Nhân viên các đại lý Honda cho biết, riêng mẫu xe City thì khách hàng buộc phải chờ đến sau Tết Nguyên đán và thời gian giao xe cũng không xác định được do chưa biết khi nào nhà máy mới có xe xuất xưởng.

Thị trường “hết xe” phổ biến nhất là với những mẫu xe được các hãng nhập khẩu với số lượng ít như Toyota Land Prado, Ford Explorer hay thậm chí là Honda Civic, Ford Ranger…

Như đã phân tích ở trên, thị trường khan hiếm một số mẫu xe là thực tế, song không đến mức hết “sạch”.

Tuy lượng không được dồi dào như mọi năm, nhưng xe NK về bán dịp Tết đã được nhiều hãng NK trước đó, cuối năm 2017. Đơn cử như Honda nhập được lô 750 chiếc CR-V hay Thaco cũng đã kịp NK 358 chiếc BMW và MINI; lô xe Audi NK phục vị sự kiện APEC cũng đang khẩn trương hoàn tất thủ tục để tiêu thụ nội địa…

Xe lắp ráp trong nước đã và đang ra nhiều mẫu mới với giá hợp lý.

Quá trình khảo sát của phóng viên cho thấy một thực tế hiện một số nhân viên đại lý đang “quay” khách hàng vì nắm được tâm lý cố mua xe bằng được trước Tết.

Một khách hàng đã ký hợp đồng mua xe của đại lý Huyndai với thời gian giao xe dự kiến ngày 28/1. Tuy nhiên khách đã bị nhân viên đại lý yêu cầu phải trả thêm 15 triệu đồng để được nhận xe đứng thời gian này.

Trao đổi về vấn đề này đại diện HTC khẳng định: việc đại lý ép khách phải trả thêm tiền để được nhận xe là thỏa thuận giữa đại lý và khách hàng. Vị đại diện này cũng cho rằng, trường hợp này đại lý hoặc là chưa thẳng thắn với khách hàng hoặc vụ lợi. Và HTC sẽ có biện pháp mạnh mẽ với những trường hợp như vậy.

Cùng người nhà đi mua chiếc Honda CR-V nhập khẩu nguyên chiếc chúng tôi nhận được những cái lắc đầu của nhân viên đại lý rằng “không có xe”, thậm chí kể cả khi chúng tôi chấp nhận bồi dưỡng nhân viên, tăng tiền.

Chỉ đến khi gặp một người quen bán xe, chúng tôi mới nhận được lời khuyên: đừng cố tỏ ra muốn mua bằng được. Bởi xe đúng là ít nhưng muốn mua vẫn có. Các đại lý còn vài xe và găm để đó, khách “chạy” khắp nơi, nhân viên bán hàng ung dung ngồi chờ vì nhất định khách sẽ quay lại. Vấn đề là sẽ ép được khách ở mức giá cuối cùng là bao nhiêu thôi.

Anh này lắc đầu cho biết: xe có ít, các đại lý cùng thống nhất không bán rẻ, khách tỏ thái độ cố mua bằng được thì giá còn bị đẩy, thị trường còn rối. Khách nào chịu chơi thì xuống tiền, nhiều khách cũng chỉ chạy quanh hỏi làm loạn giá thôi, chứ chưa hẳn đã chốt mua.

Giám đốc một đại lý xe sang cũng cho biết: tâm lý mua ô tô của nhiều người thật lạ, cứ quyết mua bằng được, giá giờ không phải là vấn đề, mà quan trọng nhất là có xe để mua hay không. Với tâm lý ấy đi mua thì rõ là bị bắt chẹt là chuyện đương nhiên.

Thị trường sẽ ổn định sau Tết

Phân tích của một chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, sau Tết, khi tâm lý cố mua xe bằng được của khách hàng giảm, các hãng đủ điều kiện NK xe nguyên chiếc, sản xuất trong nước phát triển, thị trường ô tô sẽ dần đi vào ổn định từ quý 2 và đến quý 3 giá xe sẽ ổn định với mức hợp lý.

Trong thời điểm hiện nay, khi nguồn cung bị khan hiếm, nhu cầu tăng vọt, việc mua xe hay không và chấp nhận với mức giá nào phụ thuộc vào sự lựa chọn thông minh của khách hàng.

Thực tế nếu không thực sự cần thiết, khách hàng không nên cố mua xe trước Tết Nguyên đán. Hoặc nếu không còn nhiều lựa chọn khác để khách hàng cân nhắc.

Hiện lắp ráp trong nước cũng có nhiều mẫu giảm như Peugeot 3008 và 5008 có mức giảm 40 triệu đồng so với giá trước đó; Hay thương hiệu Nissan cũng có mức giá giảm 127 triệu với Nissan X-Trail và 50 triệu với Nissan Sunny

Thậm chí mẫu xe mới được lắp ráp trong nước của Mitsubishi chiếc Outlander vừa được ra mắt có mức giá giảm khoảng 200 triệu đồng so với phiên bản nhập NK chiếc.

Tại nhiều đại lý mẫu Isuzu mu-X bản lắp ráp có mức giá giảm đến 114 triệu đồng. Thaco cũng giảm giá cho nhiều mẫu xe Mazda do hãng lắp ráp và phân phối. Kia Việt Nam vừa công bố giá khuyến mãi mới cho các phiên bản thuộc dòng xe Rondo từ 40 triệu đến 55 triệu đồng. Các dòng ô tô thuộc thương hiệu Chevrolet cũng được giảm giá từ 15 triệu đến 80 triệu đồng.

Hay đối với xe NK, lô xe 358 xe đã được Thaco NK cuối năm 2017 đã có giá bán với mức giảm lên tới vài trăm triệu đồng so với giá trước đó. Đơn cử như chiếc BMW X5 xDrive35i giá từ 3,2 đến 3,6 tỷ đồng (giảm đến 589 triệu đồng) hay BMW 528i Gran Turismo có giá từ 2,549 đến 2,699 tỷ đồng (giảm khoảng 580 triệu đồng); BMW 420i Convertible có giá 2,4 đến 2,65 tỷ đồng (giảm 500 triệu đồng); các mẫu 640 Gran Coupe, X6 xDrive35i có mức giảm 400 triệu đồng, các mẫu khác cũng giảm từ 100 đến hơn 300 triệu đồng.

Đối với nhiều khách hàng đã ký hợp đồng mua xe cần tỉnh táo nắm bắt các quyền lợi của mình tránh để đại lý bắt chẹt, ép giá.

Mới đây để cảnh báo người tiêu dùng về hiện tượng đẩy giá và vi phạm hợp đồng của các đại lý bán ô tô dịp sát Tết, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người dùng khuyến cáo khách hàng nên nắm rõ các quy định liên quan đến đặt cọc mua xe cũng như các trường hợp thay đổi giá xe tại thời điểm giao dịch. Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, theo quy định tại Điều 328 Bộ Luật Dân sự năm 2015, nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.